Trang nhà > Quan niệm > Triết học > HENRI BERGSON VÀ THUYẾT TRỰC GIÁC
HENRI BERGSON VÀ THUYẾT TRỰC GIÁC
Thứ Sáu 13, Tháng Hai 2009, bởi
Ông là cha đẻ của thuyết Trực giác có ảnh hưởng lớn đến văn học và triết học Pháp nói riêng và Phương Tây nói chung. Tác phẩm “Tiến hóa sáng tạo” của ông là cuộc cách mạng mang ý nghĩa thời đại. Bergson đã đưa vào triết học tài hùng biện cho tư tưởng, cảm hứng và sự quan tâm đến giá trị và tính duy nhất không thể thay thế của cá nhân con người.
Henri-Louis Bergson sinh ngày 18-10-1859, mất ngày 4-1-1941, là nhà triết học, nhà văn người Pháp, một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20, đoạt giải Nobel Văn học năm 1927. Ông là con một nhạc sĩ Do Thái quốc tịch Anh và một phụ nữ Anh. Từ nhỏ H. Bergson sống ở London, năm 8 tuổi sang Pháp và từ năm 21 tuổi ông trở thành công dân Pháp. Ông là học sinh xuất sắc của trường Condorcet, từng nhận phần thưởng danh dự về môn tu từ học và giải thưởng toán học. Từ năm 1878, H. Bergson học trường Sư phạm, đỗ thạc sĩ Triết học. Năm 1889 ông bảo vệ luận án tiến sĩ với luận văn Các dữ kiện trực cảm của ý thức.
Năm 1900 ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm bộ môn triết học Hy Lạp trường Quốc học Pháp (College de France). Năm 1914, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp và trở thành chủ tịch Viện Hàn lâm các khoa học chính trị và đạo đức. Thời kì 1921-1926 ông làm chủ tịch Hiệp hội Hợp tác trí tuệ các quốc gia.
H. Bergson tham dự nhiều hội nghị về triết học ở Pháp và nước ngoài, đăng nhiều bài trên các tạp chí Siêu hình học và đạo đức, Triết học, trao đổi nhiều thư từ với các nhân vật lỗi lạc trên toàn thế giới.
Trong những năm đầu của thế kỉ XX, H. Bergson viết nhiều công trình khảo cứu cơ bản, mà quan trọng nhất là Tiến hóa sáng tạo (1907), có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với giới trí thức hàn lâm mà cả đông đảo dân chúng. H. Bergson cho rằng: sự tiến hóa không đơn giản là quá trình thích ứng cơ học thụ động của các cá thể đối với môi trường sống, mà là một quá trình sáng tạo có định hướng. Việc nắm bắt và hiểu cuộc sống không chỉ dựa vào tư duy logic và phương pháp phân tích lí tính.
Theo H. Bergson, chỉ có bằng trực giác (intuition) mới nắm được hiện thực, phải phân biệt “thời gian toán học” đo bằng đồng hồ và “thời gian trực cảm” (durée) của đời sống nội tâm luôn luôn vận động, không cắt ra từng mảnh được. Về quan niệm sự sống, ông chủ trương thuyết sức sống, “sự tiến hóa sáng tạo” mà cơ sở là “đà sống” (élan vital). Các tác phẩm của H. Bergson lôi cuốn người đọc không chỉ bởi chiều sâu nội dung các vấn đề được trình bày mà còn vì văn phong sáng sủa, chính xác và uyển chuyển, đầy chất thơ làm cho ông trở thành một trong những bậc thầy của văn xuôi Pháp. Đặc biệt ông thường sử dụng hình tượng để diễn tả tư tưởng của mình, cho rằng hình tượng là một lời kêu gọi sự cộng tác sáng tạo của người đọc. Từ năm 1914, ông thường xuyên đi giảng ở các trường đại học ở các nước Âu Mỹ.
Năm 1927, H. Bergson đoạt giải Nobel nhưng không thể đến dự lễ trao giải tại Stockholm. Trong thư ông viết thư gửi Viện Hàn lâm Thụy Điển có đoạn: “Kinh nghiệm lịch sử cho thấy sự phát triển công nghệ của xã hội không bảo đảm sự hoàn thiện đạo đức của con người sống trong xã hội đó. Sự tăng trưởng phúc lợi vật chất thậm chí là nguy hiểm nếu nó không được kèm theo những nỗ lực tinh thần thích hợp”.
Năm 1941, trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, ông mất vì một cơn xung huyết phổi tại nhà riêng; đám tang đã diễn ra đơn giản chỉ với khoảng 30 người bạn và các đồng nghiệp.
Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
- Năng lực tinh thần (nguyên tác: L’Energie spirituelle, tiểu luận), L. M. Cao Văn Luận dịch, NXB Đại học Huế, 1962.
- Ý thức luận (nguyên tác: Essai sur les données immédiates de la conscience, khảo luận), L. M. Cao Văn Luận dịch, NXB Đại học Huế, 1962.
- Vật chất và kí ức (khảo luận), L. M. Cao Văn Luận dịch, NXB Đại học Huế, 1963.
- Tiếng cười (hay lược khảo về ý nghĩa của hài tính), Phạm Xuân Độ dịch từ cuốn Le Rire, essal sur la signification du comique của Henri Bergson, Bộ Văn hóa - Giáo dục và Thanh niên xuất bản, 1974.