Đông Tác

Blog

Trang nhà > Bạn đọc > Nhàn đàm > "Trọng văn, khinh võ"

"Trọng văn, khinh võ"

Thứ Bảy 13, Tháng Bảy 2024, bởi Cong_Chi_Nguyen

Theo trang mạng Quora, có một nghịch lý trong lịch sử phong kiến là đám quan võ thường bị coi nhẹ hơn quan văn ở Trung Quốc nhưng lại được tôn vinh ở Nhật Bản, mặc dù cả hai xã hội này đều theo đạo Nho. Có nhiều ngoại lệ, ví dụ tướng Quan Vũ thời Tam Quốc vẫn được thờ cho đến nay. Hạng Vũ thậm chí được tôn vinh và lãng mạn hóa từ thế kỷ II trước Công nguyên, nhưng Lưu Bang thì bị bôi nhọ.

Tuy nhiên, các tướng thường được đề cao trong văn học và truyền thuyết còn trong sử sách chính thống thì "Trọng văn, khinh võ" mới là xu hướng chủ đạo. Hầu hết cổ sử Trung Quốc là do các ông quan văn lép vế viết ra. Tư Mã Thiên từng thổ lộ rằng chức ngự sử còn thấp hơn đám ca múa và thầy bói. Không lạ gì nếu sử gia soi mói với thiên kiến về lời nói và hành động của những kẻ có quyền lực hơn mình trong triều đình.

Đặc biệt trong mắt sử gia mặc nhiên hoạn quan đều là người xấu. Các sai lầm, thất bại của nhiều hoàng đế được mô tả là do lũ thái giám xúi bẩy, dèm pha và đám hoàng hậu, phi tần ghen tuông đặt điều hoặc do “kế sách” ngu ngốc của những đại thần đầy tham vọng, v.v.. Không ít hoàng đế còn bị gán trách nhiệm tày đình khi không chịu nghe “lời khuyên” của các trung thần hoặc “lời can” của đám ngự sử uyên bác sách vở.

Lịch sử cổ Hy Lạp thì hầu hết được viết bởi các sử gia và triết gia của thành bang Athen dân chủ văn vẻ, vốn là đối thủ truyền kiếp của thành bang Sparta quân phiệt dũng mãnh. Họ thường cố gắng làm cho hình ảnh Sparta trông xấu xí hoặc tiêu cực trong khi tỏ vẻ khách quan, trung lập.

Người ta thường chỉ nhớ kẻ mang gươm mà quên kẻ cầm bút. Thanh gươm có thể giết chết ai đó về mặt thể xác, nhưng chỉ một lần. Ngược lại, cây bút có thể làm thay đổi hình ảnh suốt muôn đời. Ngay trong thời hiện đại ở Mỹ chẳng hạn, cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ và báo chí Mỹ đều có thái độ thiên lệch khi viết về tình hình và chính khách của các nước như Iran, Nga, Trung Quốc, v.v..

Bất kỳ vị vua nào không hòa hợp với cấp dưới của mình đều có thể mang tiếng là bạo chúa hoặc ngu ngốc mãi mãi. Vua có thể giết cấp dưới, nhưng sau khi vua qua đời, giới sử gia thế hệ mới vẫn có thể phủ nhận sự đóng góp, di sản của vua và thậm chí đặt cho vua một danh hiệu nhục nhã.

Rất nhiều vị vua được đọc tác phẩm của đám sử gia thời trước nên thường gắng gượng làm vừa lòng triều đình. Ví dụ, Đường Thái Tông tức Lý Thế Dân từng có “đường dây lắng nghe” nổi tiếng, theo đó các quan có thể đến gặp để đưa ra lời khuyên mà ông sẽ lắng nghe và trao phần thưởng. Tuy nhiên một số sử gia đã chỉ ra rằng về sau việc đó trở thành màn trình diễn chỉ có tính hình thức và cốt để gom góp uy tín cho vua.

Để đạt được hiệu quả lớn, Lý Thế Dân còn cho phép các quan xúc phạm mình. Họ càng nặng lời thì ông càng vui mừng vì các sử gia sẽ ghi lại rằng ông đã nhân từ đến mức nào. Đôi khi để giữ thể diện, uy quyền và tăng uy tín, ông có thể tỏ vẻ “tức giận” và muốn giết kẻ phê phán, nhưng các quan cố gắng “can gián” nên ông sẽ tha thứ.

Nhờ đó cả triều đình đã ca ngợi ông là nhà cai trị nhân hậu và khôn ngoan nhất trong lịch sử, ông đã ban tặng nhiều phần thưởng và các sử gia đã viết thành “sự tích” để làm tấm gương tốt cho đời sau. Lý Thế Dân luôn được nhớ đến trong lịch sử Trung Quốc như một hoàng đế có công lớn lại biết nghe lời can gián và trở thành hình mẫu lý tưởng cho người cai trị. Theo một nghĩa nào đó, nó giống như một sự nghiệp kinh doanh có lợi cho cả đôi bên.

Vào thời Minh, có những vị quan thường đơm đặt chuyện cung đình. Một số thậm chí còn muốn bị giết bằng cách phỉ báng hoàng đế với hy vọng mình sẽ thành nhân vật lớn trong trung thần liệt truyện. Ngược lại, hoàng đế sẽ bị gọi là bạo chúa và ghi vào danh sách những tấm gương xấu cho tương lai. May mà các hoàng đế nhà Minh thường nghĩ việc xử lý lũ đó cũng vô ích như đuổi ruồi.

Mặc dù các bài viết của sử gia vẫn phải gần gũi với lịch sử thực tế nhưng chắc chắn họ nhấn mạnh sự đóng góp của tầng lớp quan văn mà chính mình thuộc về. Vì vậy ngoài những vị tướng mạnh mẽ và dũng cảm, đọc sử sách Trung Quốc luôn thấy rất nhiều “mưu sĩ” tính toán thông minh mọi thứ, đưa ra những lời khuyên và nhận định tài tình để xoay chuyển cục diện chính trị, quân sự. Họ vừa là thần tượng, vừa là biểu tượng của kẻ quân tử theo nghĩa đen. Không thể nói rằng họ không tồn tại, nhưng các sử gia thực sự đã dành cho những chiến lược gia đó nhiều trang sách đẹp.

Trong khi quan võ ra trận, những quan văn ở lại triều đình thỉnh thoảng cố tình đưa ra nhiều nhận xét, chỉ trích tiêu cực như khả năng nổi loạn của các tướng hoặc khả năng lãnh đạo kém cỏi của hoàng đế nhằm để hạ thấp đẳng cấp chiến binh. Về cơ bản, điều đó đã tóm tắt đặc tính của tầng lớp quan văn và vấn đề của họ với tầng lớp quan võ cũng như cách họ cư xử trong triều đình. Hình ảnh các hoàng đế, thái giám, tướng quân hoặc hoàng hậu, phi tần đều bị tầng lớp quan văn “thay đổi” trong các văn bản lịch sử nếu không biết “cư xử” khéo.

Tại Nhật Bản xưa thì khác. Thứ nhất, bởi vì Daimyos (đại danh) và Shogun (tướng quân) về nguyên tắc đều là quan võ (chiến binh cấp cao). Mặc dù điều đó không có nghĩa là họ đối xử tử tế với các chiến binh samurai thuộc tầng lớp thấp hơn, nhưng các sử gia khi viết về họ đã có thái độ chính trị khách quan hơn.

Thứ hai, thời xưa samurai và gia nhân (đàn ông ở tuổi lao động) theo nghĩa đen đều là người hầu của gia tộc mà họ thuộc về. Lợi ích của họ được xác định trực tiếp bởi quyền lực của thị tộc mà họ phục vụ chứ không phải bởi một quyền lực tối cao đứng trên mọi giai cấp khác. Nhật Bản không hình thành được cơ cấu tổ chức nhất thống toàn quốc với hai tầng lớp quan võ và quan văn do hoàng đế lãnh đạo giống như ở Trung Quốc.

Nhật Bản do chính quyền quân sự nắm từ năm 1192 đến 1867 nên trọng võ khinh văn. Điều này góp phần làm các cuộc nội chiến đẫm máu liên tiếp nổ ra cho đến khi xuất hiện triều đại Minh Trị Duy Tân theo mô hình quản trị nhà nước của phương Tây.